Công Ty Bất Động Sản SAIGONREAL

NGƯỜI MUA NHÀ ĐẤT CỦA ALIBABA CẦN LÀM GÌ?

29/09/2019

NGƯỜI MUA NHÀ ĐẤT CỦA ALIBABA CẦN LÀM GÌ?

  29/09/2019 - 08:43

Các Luật sư cho biết, người dân mua sản phẩm tại các dự án ma của Công ty CP địa ốc Alibaba sẽ được đảm bảo quyền lợi chính đáng nếu khởi kiện ra tòa.

 

Sau khi Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT công ty địa ốc Alibaba) cùng em trai Nguyễn Thái Lĩnh (Giám đốc Công ty) bị bắt để điều tra về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 BLHS năm 2015, nhiều khách hàng, nhà đầu tư đã kéo đến trụ sở của Công ty nằm trên địa bàn quận Thủ Đức bày tỏ sự lo lắng vì không biết có lấy lại được số vốn đã đổ vào các dự án của công ty này hay không.

Khách hàng được bà Huỳnh Thị Ngọc Như, người phụ trách đối ngoại và đào tạo của Công ty Alibaba trấn an và cho biết, công an đã tịch thu toàn bộ tiền, hồ sơ và giấy tờ liên quan đến khách hàng, hiện công ty "đang tìm cách giải quyết" vấn đề. Cuộc trao đổi này được livestream trên fanpage chính thức của công ty.

Cùng với đó, nhân viên của Địa ốc Alibaba cũng kêu gọi người mua ký tên vào văn bản có nội dụng "không tố cáo Công ty CP địa ốc Alibaba" để gửi đến cơ quan điều tra. Trong khi đó, Công an TP.HCM đã phát đi thông báo đề nghị tất cả khách hàng đã ký kết hợp đồng mua nền đất của Alibaba và bị công ty này thu tiền, chiếm đoạt tài sản cần liên hệ với công an địa phương để trình báo, cung cấp thông tin nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho bản thân.

Ông Nguyễn Thái Luyện (áo sơ mi trắng)

Ông Nguyễn Thái Luyện (áo sơ mi trắng) - Chủ tịch Alibaba trong buổi làm việc với cơ quan điều tra vào chiều ngày 18/9. Ảnh: Công an cung cấp.

Luật sư Bùi Quốc Tuấn thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM khuyên người dân nên đến cơ quan công an để tố cáo các giao dịch đã thực hiện với Alibaba; đồng thời cung cấp tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc như hợp đồng, chứng từ thanh toán, văn bản làm việc với công ty... để cơ quan chức năng nắm bắt, xem xét, giải quyết vấn đề. Nếu có đủ căn cứ xác thực được hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của lãnh đạo Alibaba thì người dân sẽ được bảo vệ quyền lợi chính đáng trong vụ án hình sự. Lúc này, người mua hàng sẽ được công ty hoặc các cá nhân chiếm hưởng bồi thường số tài sản đã bị chiếm dụng.

Ngoài ra, nên xem khoản tiền mà môi giới mà các nhân viên thuộc Công ty Alibaba được hưởng sau mỗi hợp đồng ký kết trái pháp luật là nguồn thu bất chính, buộc phải tịch thu để bồi thường cho người mua.

Theo luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TP.HCM), có thể không phải mọi giao dịch giữa Alibaba với khách hàng đều bất hợp pháp. Trong trường hợp này, những hợp đồng mà tài sản có thật, được phép chuyển nhượng nhưng tiến độ bị ảnh hưởng vì vụ việc thì người mua hoàn toàn có quyền tiếp tục thực hiện hoặc chấm dứt và hai bên nên làm việc với nhau dựa trên tinh thần thỏa thuận. Trường hợp không thỏa thuận được thì người mua hoàn toàn có thể khởi kiện bằng một vụ án dân sự khác.

Chuyên gia ngành luật cho hay: "Các cá nhân, tổ chức có mua bán, chuyển nhượng đất đai với Công ty Alibaba cần làm việc với các cơ quan chức năng, chuyên môn để xác định tính hợp pháp trong giao dịch của mình từ đó có giải pháp lý phù hợp nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình".

Thông tin từ cơ quan chức năng cho hay, Công ty CP địa ốc Alibaba và các công ty thành viên được anh em Luyện lập nên đã vẽ ra nhiều dự án không có thật tại nhiều địa phương như Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận... để huy động vốn trái phép từ phía người có nhu cầu mua bất động sản.

Tự giới thiệu là tập đoàn kinh doanh bất động sản với tổng vốn điều lệ lên đến 5.600 tỷ đồng và có lượng nhân viên tới hơn 2.500 người, triển khai 48 dự án trên nhiều tỉnh thành, Công ty Alibaba cam kết "giúp khách hàng giàu lên cùng bất động sản, lợi nhuận tối thiểu 28% mỗi năm và chưa có khách hàng nào thua lỗ khi đầu tư địa ốc tại đây". Tuy nhiên, tất cả những lời giới thiệu này chỉ là một cái bẫy hoàn hảo khiến hàng nghìn khách hàng phải chôn tiền vào các dự án bất động sản ma.

 

(Theo vnexpress)